Chảy dầu: 2 vị trí dễ bị chảy dầu đối với hộp số tự động của ô tô là đầu hộp số và phớt láp. Tại đầu hộp số, gioăng dùng lâu nên bị lão hóa, phớt bị cong vênh do va chạm hoặc tháo lắp thường xuyên. Tại phớt láp, nguyên nhân là do sau quá trình sử dụng lâu thì bị mòn dần hoặc bị rách nếu được tháo lắp không đúng cách.
Rung giật: khi vận hành, xe xảy ra hiện tượng rung giật hoặc hộp số phát ra tiếng kêu thì nhiều khả năng là do bánh răng hành tinh, đai (trong hộp số CVT), vi sai (vi sai chống trượt bị rỗ đầu trục), các đĩa ma sát bị mòn gây nên va đập và trượt cơ khí.
Tốc độ ô tô không tương ứng với tốc độ động cơ: khi người lái lên ga lớn nhưng xe vẫn di chuyển rất chậm thì nguyên nhân có thể do đĩa ma sát bị mòn hoặc bị cháy, các van điện từ bị hỏng ở một hoặc nhiều cấp số nào đó.
Xe không di chuyển: nguyên nhân là do nó bị hỏng khớp một chiều hoặc cánh tua-bin trong biến-mô. Khả năng này khó xảy ra nhưng nếu gặp phải thì bạn phải thay toàn bộ hộp số tự động chứ không thể sửa chữa được.
Trên đây là những bệnh hộp số xe ô tô thường gặp ở hộp số tự động mà bất kì chủ xế nào cũng phải nắm được để hạn chế sự hỏng hóc và tai nạn không đáng có trong quá trình vận hành.
1.2 Nguyên nhân gây ra hỏng hóc ở hộp số tự động của ô tô:
Dầu bôi trơn hộp số là cội nguồn gây nên các hư hỏng và ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền của hộp số.
Các nguyên nhân gây hư hỏng khác mang tính cá biệt, rất ít xảy ra như đứt dây, va đập, tháo lắp,…
Thiếu dầu. Khi dầu hộp số tự động nằm dưới mức “Min” sẽ làm giảm áp suất dầu để bôi trơn các chi tiết chuyển động trong hộp số, các van dầu hoạt động không chính xác.
Dầu bẩn. Khi hộp số làm việc sinh ra các mạt kim loại, nếu dầu không được thay định kỳ, các mạt kim loại này sẽ làm tắc các van điện từ, đường dầu cung cấp tới bộ đĩa ma sát.
Sử dụng dầu không đúng chủng loại. Có thể mỗi hãng xe, mỗi đời xe có trang bị hộp số tự động lại yêu cầu tiêu chuẩn về dầu bôi trơn cho hộp số là khác nhau và thường là đời xe càng mới thì tiêu chuẩn càng cao. Khi sử dụng dầu không đạt tiêu chuẩn, các chi tiết sẽ nhanh chóng bị mòn, phá hủy.
2. Bảo dưỡng hộp số tự động, lái xe ô tô số tự động đúng cách:
Thay dầu hộp số mỗi 15 ngàn km trên cả các dòng xe Nhật hay Châu Âu. Với dòng CVT, thay nhớt lần đầu ở km thứ 40 ngàn và sau đó thay định kỳ ở mỗi 25 ngàn km.
Sử dụng dầu hộp số có nguồn gốc tổng hợp khi có thể cho dù chi phí có thể gấp đôi so với dầu gốc tự nhiên bởi dầu tổng hợp giữ được đặc tính cơ, lý của nó ngay cả ở nhiệt độ cao và việc chuyển số với dầu gốc tổng hợp được thực hiện êm ái hơn. Lưu ý, chỉ sử dụng dầu đặc chủng cho CVT đối với hộp số CVT.
Khi thay dầu hộp sô, lưu ý rút cạn dầu cũ trước khi châm dầu mới.
Luôn luôn đảm bảo xe dừng hẳn trước khi chuyển từ số D (tiến) sang số R (lùi) hay ngược lại. Trong thao tác đậu xe, nhiều bác tài có thói quen chuyển số khi xe chưa dừng hẳn, xin nói rằng đó là cách hữu hiệu để phá hỏng hộp số của xe.
Khi dừng đèn đỏ, hãy giữ cần số ở “D” bởi các hệ thống đóng mở thủy lực đều có tuổi thọ của nó. Mỗi lần ta chuyển từ “D” sang “N” khi dừng và từ “N” sang “D” khi cho xe chạy tiếp, ta đã làm giảm tuổi thọ của hệ thống van, bộ tua bin (trong bộ biến mô) và các lá côn. Hộp số tự động không vận hành như hộp số tay do vậy không hưởng lợi từ việc chuyển sang “N” mỗi khi dừng đèn đỏ. Tuy nhiên khi dừng lại lâu, bạn có thể chuyển sang “N”.
Những chuyến leo đồi liên tục sẽ làm giảm tuổi thọ của hộp số tự động. Trong những chuyến đi như vậy, lưu ý dừng xe nghỉ cho hộp số nguội bớt trước khi tiếp tục cuộc hành trình là các bảo vệ hộp số hữu hiệu.