1. ĐIỀU CHỈNH ĐỘ CAO GHẾ NGỒI
Độ cao của ghế ngồi ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn và khả năng quan sát của tài xế khi điều khiển xe. Việc cân chỉnh độ cao ghế hợp lý sẽ giúp bạn quan sát phía trước cũng như bảng điều khiển dễ dàng hơn, giảm thiểu đau mỏi lưng cổ cho tài xế hạn chế những tai nạn đáng tiếc. Độ cao ghế chuẩn là khi bạn không cần phải rướn người lên cao để quan sát phía trước, tầm mắt ở tâm kính chắn gió, đầu và trần xe cách nhau khoảng một bàn tay.
Hãy nâng ghế tới vị trí có thể quan sát đầy đủ không gian bên ngoài xe, cùng lúc, chân vẫn phải thoải mái. Nếu thiết kế xe không nâng ghế lên được, hãy dùng đệm lót và các thiết bị hỗ trợ để đảm bảo dáng ngồi thoải mái nhất.
2. ĐIỀU CHỈNH ĐỘ NGHIÊNG GHẾ
Độ nghiêng ghế là 1 trong những yếu tố quan trọng tác động đến phần lưng và cổ tài xế. Tư thế ngồi lái xe đúng chuẩn là lưng ghế song song với cột vô lăng, tùy vào thời điểm và hoàn cảnh mà tài xế có thể thay đổi trong phạm vi 95 đến 110 độ. Cố gắng chỉnh sao cho sát lưng vào ghế và duỗi thẳng tay nắm vô lăng
Hãy đặt cổ tay ở điểm cao nhất trên vô lăng, nếu thấy thoải mái, trong khi vẫn giữ vững tư thế ngồi lái xe thắng tỳ lưng vào ghế thì đây chính là tư thế phù hợp nhất cho bạn. Cách chỉnh ghế và tư thế ngồi như vậy sẽ giúp người cầm lái vừa cắt côn đúng kỹ thuật, vừa ngồi thoải mái, tay quay vô lăng cũng nhẹ nhàng đủ lực, đủ vòng.
3. ĐIỀU CHỈNH KHOẢNG CÁCH GHẾ
Khoảng cách giữa ghế, vô lăng và chân phanh cũng có tác động rất nhiều đến sự thoải mái, sức khỏe và cả an toàn của tài xế trong chuyến đi. Tùy vào chiều dài chân và sải tay của mỗi người mà nên có sự điều chỉnh khoảng cách từ ghế tới vô lăng sao cho phù hợp. Tư thế thoải mái nhất là ngồi dựa hẳn cột sống vào lưng ghế, rồi điều chỉnh khoảng cách cho tới khi đầu gối hơi gập lúc đạp pedal, điều chỉnh vai để 2 tay hơi co khi cầm vô lăng chứ không duỗi thẳng cứng nhắc.
Phần lớn các loại ô tô hiện nay đều được thiết kế với phần ghế xe cân đối với các pedal. Theo đó, khoảng cách hợp lý nhất giữa người lái xe với pedal là khi phần đầu gối của bạn hơi gập ở góc khoảng 120 độ. Nếu ngồi quá xa hay quá gần đều tạo cảm giác khó điều khiển và tăng khả năng thương tổn nặng khi xảy ra va chạm. Đối với các xe số sàn thì phải chỉnh tầm ghế để làm sao cho khi đạp côn hết tầm thì chân vẫn còn chùng một đoạn. Nếu chùng nhiều nghĩa là bạn đã ngồi quá sát vô lăng, nếu để ghế ngồi quá xa có thể đạp côn không hết, khiến việc vào số khó khăn hơn.
4. ĐIỀU CHỈNH TỰA ĐẦU
Chi tiết tưởng chừng cỏn con này thường bị người lái bỏ qua vì cho rằng nó không thực sự hữu dụng với những người phải lái xe đường dài hay trong thời gian lâu. Tuy nhiên, đó là bạn chưa nắm được cách điều chỉnh hợp lý mà thôi. Tựa đầu cần tạo được góc nghiêng lưng ghế sao cho tư thế ngồi lái đem lại sự thoải mái nhất cho tài xế. Tựa đầu nên được điều chỉnh cao hơn mí mắt và giữ ở khoảng cách 2 – 3cm so với đầu. Tư thế đầu tốt nhất là hơi hướng về phía trước để tránh bị nhức mỏi cổ hoặc nguy cơ chấn thương khi xảy ra va chạm.
Một số người do muốn tạo cảm giác êm ái mà lựa chọn gối tựa quá to làm khó cử động. Chỉ cần lớp khăn mỏng hay chiếc áo để tạo ra chiếc đệm mềm cho lưng mà thôi. Bên cạnh đó, cũng không nên đặt gối tựa quá thấp hay quá cao. Vị trí chuẩn nhất là ở khu vực dễ đau mỏi nhất khi ngồi lâu, dưới lồng ngực đôi chút, ngang eo.
5. ĐIỀU CHỈNH VỊ TRÍ ĐẶT CHÂN
Nhiều lái xe mới vào nghề để bàn chân trái dưới bàn đạp côn, hoặc vuông góc với sàn xe. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thao tác trên xe mà còn làm cho tư thế ngồi không vững vàng, chắc chắn, dẫn đến đau lưng mỏi cổ. Tốt nhất, bạn nên để bàn chân ở đúng vị trí giá đỡ đã thiết kế trên xe. Với loại xe không có chi tiết này, bạn nên tự điều chỉnh bàn chân trái ở tư thế bàn chân hơi dốc lên song song với bàn đạp côn và đảm bảo đoạn đường từ vị trí đặt bàn chân đến vị trí bàn đạp côn là gần nhất.
6. VÀO XE ĐÚNG CÁCH
Rất nhiều người có thói quen ngồi xe là cho chân vào trước, mà không để ý rằng tư thế này rất dễ gây chuột rút, thậm chí là dẫn tới vẹo lưng. Tư thế ngồi vào xe đúng nhất chính là đặt hông vào trước, khi ngồi yên vị trên ghế rồi mới bước chân vào và xoay người về đúng hướng. Cách ngồi vào xe này giúp phần phía sau đùi sẽ tiếp xúc với ghế chứ không còn là phần xương cụt như trước đây nữa.
7. ĐIỀU CHỈNH VÔ LĂNG
Điều chỉnh vô lăng sai cách rất dễ gây cảm giác mệt mỏi khi chạy đường dài, thao tác lái chậm, nếu như gặp phải những tình huống bất ngờ có thể không xử lý kịp. Cách điều chỉnh vô lăng đúng cách là điều chỉnh về vị trí song song với góc của lưng ghế để giúp tài xế dễ dàng quan sát cũng như thao tác hệ thống điều khiển. Tư thế tốt nhất khi cầm nắm vô lăng là bàn tay thấp hơn vai, đặt ở vị trí 3h và 9h, khuỷu tay gập tạo góc 120 độ khi nắm lấy vô lăng. Khoảng cách cột vô lăng nên giữ ở mức 30 cm hoặc nhỏ hơn 45 cm là hợp lý, tính từ tâm trục đến xương ức.
8. GIỮ TƯ THẾ NGỒI CHUẨN
Ngồi lái xe đúng tư thế giúp bạn thoải mái và duy trì sự tỉnh táo trên suốt hành trình. Tư thế ngồi đúng chuẩn chuẩn của người lái xe là phần mông và lưng vuông góc, lưng và cột sống cùng nằm trên một đường thẳng, luôn giữ ngực thẳng, cằm hơi cúi về phía trước, tránh nghiêng cổ một phía quá lâu. Nếu xe của bạn chưa trang bị thêm gối đệm tựa lưng, bạn có thể sử dụng thay thế bằng 1 hoặc 2 chiếc khăn bông cuộn tròn đặt đằng sau để hỗ trợ trong quá trình ngồi xe thời gian dài. Trang bị một chiếc hộp tỳ tay cũng giúp bạn tránh được tối đa việc đau mỏi hai bả vai. Thỉnh thoảng, đừng quên cử động, thay đổi tư thế để cơ bắp vùng vai, gáy được thư giãn chốc lát.
9. THẮT DÂY AN TOÀN
Thắt dây an toàn là phần lớn bộ phận tài xế nước ta bỏ qua. Trên thực tế, những tư thế bạn điều chỉnh sẽ được duy trì tốt hơn nếu có sự kết nối với dây an toàn. Chính vì thế, bạn nên tạo cho mình thói quen thắt dây an toàn ngay sau khi hoàn tất công việc chỉnh ghế, chỉnh gương chiếu hậu.
10. ĐIỀU CHỈNH GƯƠNG
Gương chiếu hậu được trang bị nhằm giúp người lái xe có thể quan sát nhanh phía sau và hai bên hông xe qua gương mà chỉ cần liếc mắt hay quay hẳn đầu nhìn qua vai. Sử dụng tối ưu gương có thể giúp bạn đảm bảo an toàn và tránh được đau lưng mỏi cổ. Trên thực tế, vóc dáng mỗi người mỗi khác, góc nhìn trên gương vì vậy mà không giống nhau trên cùng một chiếc xe.
11. SỬ DỤNG GỐI TỰA ĐẦU
Hiện nay, tại nhiều siêu thị có bày bán những chiếc gối tựa đầu khá dễ thương với giá dưới 100.000 đồng, rất hữu ích cho những chuyến di chuyển phải ngồi nhiều. Để giảm áp lực cho phần xương cổ và cột sống, bạn nên sử dụng chiếc gối tựa đầu êm ái. Đồng thời, giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn trên chuyến du lịch mất nhiều thời gian.
12. BỔ SUNG NƯỚC CHO CƠ THỂ
Việc uống nhiều nước trong quá trình di chuyển giúp cơ thể bạn không bị mệt mỏi, cung cấp thêm lượng nước để bôi trơn các khớp xương cột sống. Nếu cơ thể bị thiếu nước, phần chất nhầy nằm ở các đĩa đệm rất dễ bị tổn thương gây đau nhức xương khớp.
13. SỬ DỤNG GỐI TỰA LƯNG
Một chiếc gối hay chiếc khăn dày hoặc áo cuộn lại đặt ở phần thắt lưng hay thân dưới có thể giúp cải thiện tư thế ngồi, giảm tình trạng đau lưng. Lưu ý, tránh ngồi hoặc nằm bằng tư thế gác chân lên cao bởi sẽ càng làm tình trạng đau lưng xấu hơn.